Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Bình Long

Thứ bảy - 11/05/2013 10:45 3120
Ngày 28/01/2008 UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Quyết định số 231/QĐ-UBND phê duyệtQuy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước thời kỳ đến năm 2020 với các mục tiêu và định hướng phát triển chủ yếu như sau:
I. Mục tiêu phát triển:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2006 - 2010 đạt 16%, thời kỳ 2011 - 2015 đạt 17%, thời kỳ 2016 - 2020 đạt 14,8%;
- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản; cơ cấu ngành đến năm 2010: Ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 14%, ngành dịch vụ chiếm 28%, ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 58%; năm 2015 tương ứng là 23% - 32% - 45% và đến năm 2020 tương ứng là 35% - 33% - 32%;
- GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt khoảng 16,6 triệu đồng; năm 2015 khoảng 36,8 triệu đồng/người và năm 2020 khoảng 74,7 triệu đồng/người;
- Tốc độ phát triển dân số bình quân năm thời kỳ 2006 - 2010 là 1,94%; thời kỳ 2011 - 2015 là 2,5%; thời kỳ 2016 - 2020 là 2,0%;
- Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện trong các lĩnh vực văn hóa - xã hội, đặc biệt là chăm lo về giáo dục - đào tạo nhằm nâng cao dân trí, tăng chất lượng nguồn lực, thực hiện các chính sách xã hội khác;
- Phấn đấu đưa thị trấn An Lộc là đô thị loại 3 vào năm 2020.
II. Định hướng phát triển một số ngành và lĩnh vực chủ yếu
Dựa vào hiện trạng và các lợi thế, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bình Long hiện nay và trong tương lai thì việc xác định định hướng phấn đấu của ngành, lĩnh vực là có căn cứ khoa học, vừa phát huy được tính tích cực, sát với khả năng thực tế của địa phương, vừa phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời kỳ 2006 - 2020, cụ thể:
1. Ngành nông, lâm, thủy sản:
Khai thác hợp lý các lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên và các nguồn lực khác để tiếp tục phát triển với tốc độ cao và ổn định, tạo bước chuyển biến tích cực về cơ cấu trong nội bộ ngành. Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất; thâm canh, tăng năng suất; nâng cao chất lượng sản phẩm; phát triển và hình thành các vùng chuyên canh để khai thác các lợi thế so sánh của huyện như: Phát triển cây công nghiệp dài ngày (cao su, tiêu, điều), cây ăn trái (cây có múi), chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò).
Tốc độ tăng tưởng bình quân hàng năm về giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2006 - 2010 đạt 8,5%; giai đoạn 2011 - 2015 đạt 8% và giai đoạn 2016 - 2020 đạt 7,5%.
- Nông nghiệp: Phát triển mạnh cả trồng trọt và chăn nuôi, chú trọng phát triển dịch vụ nông nghiệp; tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ và chăn nuôi trong cơ cấu ngành. Phấn đấu tăng dần tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi lên từ 6,8% vào năm 2010 lên 9% vào năm 2015 và 10,9% vào năm 2020, ngành dịch vụ tăng từ 3,6% vào năm 2010 lên 4,3% vào năm 2015 và 4,9% vào năm 2020; giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt từ 89,6% vào năm 2010 xuống còn 86,7% vào năm 2015 và 84,2% vào năm 2020.
- Lâm nghiệp: Phát triển lâm nghiệp trong giai đoạn tới chủ yếu là quản lý, bảo vệ, chăm sóc và phát triển tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, chỉ khai thác khi có tái tạo rừng trồng theo đúng quy chế quản lý sử dụng rừng hiện hành; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển rừng theo hướng phát triển trang trại; phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ che phủ rừng đạt 60%.
- Thủy sản: Sản lượng thủy sản trong thời gian tới vẫn được xác định là sản lượng nuôi trồng. Dự kiến đến năm 2010 sản lượng thủy sản đạt 600 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng là 500 tấn, sản lượng khai thác là 100 tấn; đến năm 2020 sản lượng thủy sản đạt 1.200 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng là 1.000 tấn, sản lượng khai thác là 200 tấn.
2. Ngành công nghiệp - xây dựng:
Hướng phát triển của ngành trong thời gian tới là trở thành ngành mũi nhọn của huyện với tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hàng năm giai đoạn 2006 - 2010 là 31,2% (công nghiệp là 28,5% và xây dựng là 50,9%); giai đoạn 2011 - 2015 là 26,5%, (công nghiệp là 25,8% và xây dựng là 29,2%); giai đoạn 2016 - 2020 là 20,5% (công nghiệp là 21,3% và xây dựng là 17,3%).
Đẩy mạnh quá trình đô thị hóa gắn với phát triển các khu công nghiệp, trung tâm dịch vụ, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm tạo sức hút cho các ngành phát triển.
Tập trung đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng như: Phát triển giao thông, các công trình công cộng và mở rộng thị trấn An Lộc nhằm đưa thị trấn An Lộc thành trung tâm đô thị sầm uất của huyện, tiến tới trở thành thị xã của tỉnh.
3. Ngành thương mại, dịch vụ:
Đẩy mạnh phát triển ngành thương mại, dịch vụ cả về quy mô và tốc độ nhằm đảm bảo phục vụ tốt cho sự phát triển của các ngành khác. Phát triển mạnh một số lĩnh vực dịch vụ như: Thương mại, tài chính, bưu chính viễn thông… để tạo điều kiện tăng trưởng nhanh kinh tế ngành. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành dịch vụ bình quân giai đoạn 2006 - 2010 là 26%, giai đoạn 2011 - 2015 là 22,5% và giai đoạn 2016 - 2020 là 18,0%.
Xây dựng thương mại huyện phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, tạo môi trường mở để thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia; chủ động tìm kiếm và phát triển thị trường… nhằm phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng dân cư và tạo điều kiện để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân công lao động.
4. Phát triển kết cấu hạ tầng:
Từng bước nâng cấp và xây dựng mới kết cấu hạ tầng giao thông thông suốt, nối liền các điểm tập trung dân cư, vùng sản xuất nông, lâm nghiệp, các khu công nghiệp, khu du lịch và các điểm đầu mối giao thông chính trên địa bàn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tập trung đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các tuyến đường chính nhằm đảm bảo tính kết nối, hòa mạng với hệ thống giao thông trong tỉnh, vùng và khu vực, đồng thời quan tâm đầu tư các tuyến giao thông nông thôn.
 Mở rộng và hiện đại hóa mạng lưới bưu chính, viễn thông; phấn đấu đến năm 2010 đạt 40 máy điện thoại/100 dân, năm 2015 đạt 45 máy điện thoại/100 dân và năm 2020 là 50 máy điện thoại/100 dân (bao gồm di động và cố định).
Tập trung phát triển nguồn cung cấp điện đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng điện của các khu công nghiệp, khu quy hoạch cụm dân cư và nhân dân trong huyện; đẩy mạnh điện khí hóa nông thôn; duy trì 100% xã trên địa bàn huyện có điện lưới quốc gia và phấn đấu đến năm 2020 nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lên 100%.
5. Các ngành, lĩnh vực văn hóa - xã hội:
- Giáo dục & Đào tạo: Tiếp tục đổi mới, tạo chuyển biến căn bản và toàn diện về phát triển hệ thống giáo dục, đào tạo, dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn huyện; phát triển nhiều hình thức đào tạo nghề, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo; tăng cường đầu tư cho sự nghiệp giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, đồ dùng và trang thiết bị phục vụ dạy và học.
- Y tế: Tăng cường và củng cố hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở đảm bảo hoạt động có hiệu quả; duy trì 100% số xã có Trạm y tế như hiện nay, năm 2010 có 100% Trạm y tế có bác sỹ và phấn đấu đến năm 2015 có 80% Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, 4 bác sỹ/vạn dân; năm 2020 có 100% Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, 5 bác sỹ/vạn dân.
Củng cố và phát triển y học cổ truyền; làm tốt công tác miễn, giảm viện phí cho các đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, trẻ em dưới 06 tuổi; tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm; tuyên truyền vận động nhân dân ý thức phòng bệnh là chính, không để dịch bệnh xảy ra.
- Văn hóa thông tin và Thể dục thể thao: Thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát triển phong trào thể dục - thể thao toàn dân, nâng cao sức khỏe để tham gia vào quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
6. Các lĩnh vực khác:
- Tài chính, ngân hàng: Đẩy mạnh phát triển hơn nữa các hoạt động dịch vụ tín dụng, ngân hàng nhằm đảm bảo huy động các nguồn vốn trong xã hội và hỗ trợ kịp thời, hiệu quả vốn đầu tư phát triển.
- An ninh, quốc phòng: Bên cạnh việc phát triển kinh tế - xã hội, huyện chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự địa phương để thực hiện tốt công tác an ninh, quốc phòng biên giới; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,163
  • Hôm nay231,945
  • Tháng hiện tại10,532,452
  • Tổng lượt truy cập372,538,255
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây